Hàng năm, cứ vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch, sau những đợt mưa dữ dội, mùa gió nam lui dần nhường đất trời lại cho những ngọn chướng hanh hao từ ngoài biển Đông lồng lộng thổi về, báo hiệu mùa gieo trồng vất vả sắp chấm dứt, mùa thu hoạch ấm no đã đến khắp nhân gian. Cũng như đồng bào khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, người Khmer Trà Vinh rộn ràng bước vào mùa lễ hội Ok Om Bok.Nói đến Ok Om Bok Trà Vinh không thể không đề cập đến món cốm dẹp hương vị nồng nàn và những ngọn đèn gió lung linh trên bầu trời đêm trăng rằm huyền ảo. Cũng là một tộc người thuộc hệ văn minh nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, người Khmer đặt niềm tin khá trọn vẹn vào tín ngưỡng phồn thực mang tính cội nguồn của dân tộc mình. Những hạt gạo nếp đầu mùa mới vừa thu hoạch còn thơm mùi sữa của đất trời được trai thanh gái lịch trong phum sóc mang giã thành cốm, nhờ ánh lửa ngọn đèn gió dâng lên vị thần Mặt trăng, thần Đất, thần Nước như thể hiện lòng biết ơn của người nông dân về một mùa vụ bội thu. Không chỉ dâng lên thần linh, các bậc bô lão Khmer còn bốc cốm dẹp thành từng nắm lớn cho vào miệng trẻ con như một lời chúc phúc, cầu cho sự no đủ lâu bền. Thế mới biết, đối với người Khmer, cốm dẹp đã trở thành vật linh, vừa là món ăn hấp dẫn đầu mùa, vừa là phẩm vật dâng cúng thần linh. Theo thời gian, người Khmer Trà Vinh cũng đặt chân định cư nhiều nước trên thế giới và ở đâu cũng có ánh trăng rằm, ở đâu cũng có thể làm ra ngọn đèn gió nhưng chỉ vì không tìm đâu ra nắm cốm dẹp nên phải hẹn nhau cứ đến Rằm tháng Mười, lũ lượt trở về cố hương vui mùa Ok Om Bok. Vậy nên, từ xa xưa, cứ vào mùa Ok Om Bok, khắp các phum sóc Khmer Trà Vinh rộn ràng nhịp chày cốm dẹp, suốt sáng thâu đêm. Nếp nguyên liệu làm cốm dẹp phải là nếp đầu mùa vừa chín tới nhưng vẫn còn hơi “non hái”, để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp. Nếp sau khi thu hoạch được phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô, sau đó được các cô gái Khmer cho vào nồi đất rang trên ánh lửa rơm cho đến khi cháy xém vỏ trấu, bốc lên mùi thơm nhè nhẹ. Chiếc cối cốm dẹp nho nhỏ, xinh xắn chứa chừng hơn lít nếp rang, do hai chàng trai cầm chày mà “đâm” theo nhịp chày đôi và một cô gái ngồi vừa giữ cho nếp hạt không văng ra khỏi cối vừa canh sao cho cốm thật dẹp và đều. Động tác giã cốm dẹp, mà thực ra là “đâm”, gợi cho chúng ta hình ảnh nhịp nhàng - nường sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của các dân tộc thuộc hệ văn minh nông nghiệp lúa nước và những đêm trăng giã cốm nên thơ ấy trở thành dịp hẹn hò cho bao đôi nam nữ Khmer nên duyên chồng vợ. Nhịp chày cốm dẹp đêm lên mùa khắp các phum sóc gần xa còn là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc đến với bếp lửa mỗi ngôi nhà. Từ chỗ là món ăn lên mùa, là phẩm vật dâng cúng thần linh của người Khmer, cốm dẹp dần dần được cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh ưa chuộng và sử dụng một cách phổ biến. Cốm dẹp mua về, được các bà nội trợ sàng sẩy lại cho thật sạch, rồi rưới thật nhẹ một lớp nước dừa cho cốm mềm lại, sau đó trộn đường và dừa nạo (ngon nhất là dừa rám). Cốm dẹp trộn dừa tuy là một món ăn đơn giản, dễ chế biến nhưng ngon và hấp dẫn. Chừng hơn thập kỷ trở lại đây, cốm dẹp được xếp vào hàng đặc sản của vùng đất Trà Vinh, có mặt quanh năm ngoài chợ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như nhu cầu làm quà biếu tặng lẫn nhau. Thậm chí, ở các tỉnh lân cận và cả thnh phố Hồ Chí Minh, cốm dẹp Trà Vinh cũng được bày bán như một loại hàng hóa có “thương hiệu” hẳn hoi. Tuy nghề cốm không đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao nhưng khi đã đi vào sản xuất chuyên nghiệp, người dân làng nghề Ba So cũng có một số cải tiến. Đáng chú ý nhất là việc cải tiến chiếc cối và đôi chày. Chiếc cối ngày xưa có lòng lõm hình phễu đã được thay bằng chiếc túi vải hình tròn có đường kính chừng hơn 20 cm, sâu khoảng 15 cm, miệng và đáy được cố định bằng hai chiếc khung sắt, đặt trên mặt trụ phẳng cố định. Đôi chày “đâm” được thay bằng đôi chày “giã” và mặt chày được cắt thật phẳng. Trong thao tác, cô gái ngồi chỉ cần lắc nhẹ và đều chiếc túi vải theo nhịp mà hai chàng trai đứng giã liên tục, sao cho nếp nguyên liệu gom lại, không văng ra ngoài. Mặt chày thật phẳng nện đều đặn lên mặt đế cũng thật phẳng làm cho cốm giã dẹp rất đều, trông đẹp mắt, ít phế phẩm mà năng suất lại cao hơn nhiều so với bộ cối - chày truyền thống. Đến với sóc nhỏ hiền hòa Ba So, đi dưới những lũy tre, những rặng dầu cổ thụ quanh năm mát rượi, văng vẳng bên tai nhịp chày cốm dẹp thình thịch từ sáng tinh mơ đến khi mặt trời chen lặn. Ở đó, có những cô gái Khmer cần cù ngồi bên bếp lửa rơm rang cốm má hồng ửng đỏ, có những chàng trai Khmer, đều tay nhịp chày giã cốm, với những bắp thịt cuộn lên dưới làn da màu đồng hung nhễ nhại mồ hôi. Vẫn nhịp chày, vẫn ánh lửa rơm gợi nhớ về tín ngưỡng phồn thực cha ông, người Khmer Ba So đang cật lực vượt qua đói nghèo bằng những giọt mồ hôi gian khó, nhọc nhằn. Bốc một nắm cốm dẹp trộn dừa cho vào miệng, nghe lẫn trong vị ngọt thanh thanh của đường, của nếp, lẫn trong hương vị nồng nàn của đất, của trời còn có cả những giọt mồ hôi mằn mặn của người lao động quê hương.
( Trích trên Internet )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét